Khi các vụ tấn công mạng xảy ra ngày một nhiều, bạn nên nắm trong tay “bí kíp” để tự bảo vệ cuộc sống riêng tư trên mạng.
7 bước đơn giản để an toàn hơn trên mạng Internet
Trong bài viết gần đây trên Medium, Quincy Larson, nhà sáng lập cộng đồng học lập trình nguồn mở Free Code Camp, đã nêu chi tiết nguyên nhân vì sao mọi người nên lập hàng rào cho các dữ liệu cá nhân trên mạng. Ông hướng dẫn một vài bước cơ bản để ai cũng có thể làm được mà không cần đến quá nhiều kỹ năng.
Dưới đây là 7 bước tự bảo vệ cuộc sống số của bạn:
1. Tải Signal, dùng WhatsApp để nhắn tin
Mã hóa là thuật ngữ máy tính chỉ việc xáo trộn dữ liệu cho đến khi không ai có thể hiểu được nếu không có “chìa khóa”. Nó không đơn thuần chỉ là hoán đổi vị trí của vài ký tự với nhau. Chẳng hạn, với cơ chế mã hóa mặc định của Apple, “bạn phải có một siêu máy tính hoạt động ngày đêm trong nhiều năm mới giải được một máy duy nhất”.Cách tốt nhất để hủy dữ liệu không phải là xóa chúng mà là mã hóa chúng. Signal là một trong những ứng dụng nổi tiếng cho người muốn bảo vệ tin nhắn riêng tư. Nó miễn phí và đặc biệt dễ sử dụng. Không như iMessage, nó là phần mềm nguồn mở. WhatsApp, phần mềm chat phổ biến khác, cũng dùng phần mềm của Signal để mã hóa tin nhắn. Trong Facebook Messenger và Google Allo, bạn có thể bật tính năng mã hóa.
2. Bảo vệ ổ cứng máy tính bằng FileVault hoặc BitLocker​
Bạn luôn mang điện thoại bên mình nhưng máy tính mới chính là “mỏ vàng” thông tin cá nhân của hacker, theo ông Larson. Ngay cả khi đã cài mật khẩu, người nào giành được quyền truy cập vào máy tính đều có thể xem tất cả tập tin nếu chúng chưa được mã hóa. May mắn là cả Apple và Windows đều cung cấp giải pháp mã hóa tự động để kích hoạt nhanh chóng (xem hướng dẫn cho máy tính Apple tại đây và Windows tại đây).
7 bước đơn giản để an toàn hơn trên mạng Internet
​3. Thay đổi cách đặt mật khẩu
Đổi mật khẩu thường xuyên là một trong những cách đơn giản nhất để bảo vệ tài khoản khỏi hacker. Tuy nhiên, nó lại tốn thời gian và bắt bạn phải ghi nhớ nhiều thứ. Larson khuyên bạn sử dụng phần mềm quản lý mật khẩu, có thể lưu trữ nhiều mật khẩu khác nhau và bạn chỉ cần ghi nhớ một mật khẩu master duy nhất. LastPass, 1Password, KeePass là các chương trình được khuyến nghị.
4. Bảo vệ email và tài khoản khác bằng xác minh hai lớp​
Khi bật xác minh hai lớp, ai muốn truy cập tài khoản của bạn cần nhập mã thứ hai được nhà cung cấp gửi về số điện thoại đã đăng ký. Ngoài Gmail, Yahoo, Outlook, các mạng xã hội cũng có tính năng này. Tuy nhiên, email là tài khoản quan trọng nhất vì nhiều trang dùng email để khôi phục mật khẩu, nó là mục tiêu tấn công hàng đầu của hacker. Một khi vào được email của bạn, chúng có thể truy cập mọi tài khoản khác như ngân hàng, mạng xã hội, dữ liệu được đồng bộ.
5. Cài tiện ích HTTPS Everywhere
Đây là tiện ích mở rộng do một tổ chức bảo mật phát triển. Nó bảo đảm bạn đang truy cập một website an toàn, tức là kết nối đến trang đó được mã hóa và bạn được bảo vệ khỏi nhiều hình thức tấn công, theo dõi. Tải HTTPS Everywhere cho Chrome tại đây và Firefox tại đây.
6. Chế độ ẩn danh không phải lúc nào cũng riêng tư
Chế độ ẩn danh trên Chrome, Firefox hay Safari cùng các trình duyệt khác đều có chung cảnh báo: Bạn không vô hình. Dùng ẩn danh không che giấu lịch sử duyệt web với ông chủ, nhà cung cấp dịch vụ Internet hay các website bạn ghé thăm.
Ông Larson khuyên dùng trình duyệt Tor nhưng nó khá cồng kềnh và tương đối chậm.
7. Tìm kiếm từ khóa “nhạy cảm” trên DuckDuckGo
Ông Larson cho rằng nếu mọi người sợ bị Google theo dõi, họ nên chuyển sang DuckDuckGo, công cụ tìm kiếm thay thế. Tuy nhiên, bạn phải đánh đổi nhiều thứ vì dù sao kết quả tìm kiếm trên Google cũng nhanh hơn, chính xác và có ích hơn các đối thủ nhờ vào cách thức thu thập và phân tích thông tin của nó.Lời khuyên đặc biệt: Dán băng dính đen vào webcam như ông chủ Facebook Mark Zuckerberg và Giám đốc FBI James Comey.Theo: ​https://ictnews.vn/cntt/bao-mat/7-buoc-don-gian-de-an-toan-hon-tren-mang-internet-145832.ict